Làm sao để biết mật khẩu của tôi có an toàn hay không?
Mật khẩu của bạn sẽ an toàn nếu nó phức tạp (sử dụng kết hợp chữ cái, số và ký tự đặc biệt), dài (ít nhất 16 ký tự) và được lưu trữ ở nơi an toàn (như một trình quản lý mật khẩu).
Nếu bất kỳ mật khẩu nào của bạn không đáp ứng các tiêu chí trên, chúng có thể không an toàn.
Một trong những cách nhanh nhất để kiểm tra xem mật khẩu của bạn có an toàn hay không là sử dụng trình kiểm tra độ dài, nó sẽ đánh giá các đặc điểm của mật khẩu và thông báo cho bạn biết nó yếu hay mạnh.
Mật khẩu của tôi nên dài đến đâu?
Chúng tôi khuyên mật khẩu của bạn nên dài ít nhất 16 ký tự.
Tại sao? Vì mật khẩu 16 ký tự phức tạp thường mất nhiều thế kỷ để bẻ khóa. Để so sánh, một mật khẩu 8 ký tự đơn giản có thể bị bẻ khóa trong vòng chưa đầy 24 giờ.
Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là kiểm tra xem mật khẩu của bạn đã đủ mạnh hay chưa – ngay cả mật khẩu 16 ký tự đơn giản (ví dụ: "daylamatkhaucuatoi”) cũng sẽ dễ bị bẻ khóa hơn so với các mật khẩu phức tạp (ví dụ: "D4Y$4m4TKH4uCU4t0i”).
Như thế nào là mật khẩu an toàn nhất có thể?
Không có mật khẩu nào được coi là an toàn nhất. Tuy nhiên, bạn có thể đảm bảo mật khẩu của mình an toàn bằng cách kiểm tra độ dài của nó và cập nhật nếu mật khẩu yếu.
Mật khẩu an toàn thường kết hợp các yếu tố khiến tin tặc khó bẻ khóa:
- Độ dài tốt – Chúng tôi khuyên mật khẩu của bạn nên dài ít nhất 16 ký tự trở lên.
- Ngẫu nhiên – Mật khẩu có sự kết hợp các ký tự ngẫu nhiên sẽ an toàn hơn các từ hoặc cụm từ đơn giản, thường dùng.
- Đa dạng ký tự – Một sự kết hợp giữa chữ hoa và chữ thường, số và các ký tự đặc biệt sẽ khó bị bẻ khóa hơn.
Tuy nhiên, để mật khẩu an toàn cũng cần nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm thường xuyên thay đổi mật khẩu (chúng tôi khuyên bạn nên thay đổi các thông tin đăng nhập quan trọng nhất hàng tháng), thường xuyên kiểm tra xem thông tin đăng nhập của bạn có liên quan đến vụ vi phạm dữ liệu nào hay không, và sử dụng xác thực hai yếu tố để bảo vệ tài khoản của bạn.
Tin tặc đánh cắp mật khẩu như thế nào?
Một trong những kỹ thuật đánh cắp mật khẩu phổ biến nhất là lừa đảo, trong đó tin tặc thiết lập các trang web giả mạo và lừa người dùng nhập thông tin đăng nhập của họ. Ví dụ: tin tặc có thể tạo trang web ngân hàng giả mạo và thuyết phục người dùng cả tin nhập thông tin ngân hàng cá nhân của họ.
Tin tặc thường gửi các liên kết lừa đảo qua email, giả làm đại diện của các công ty hợp pháp. Nhưng những trang web lừa đảo cũng có thể được tìm thấy trên các trang mạng xã hội và thậm chí trong kết quả của công cụ tìm kiếm.
Mật khẩu của bạn có thể bị đánh cắp theo nhiều cách khác, bao gồm khi máy chủ của công ty bị xâm phạm hoặc khi phần mềm độc hại (như phần mềm gián điệp) ngấm ngầm theo dõi thao tác bàn phím của bạn.
Tin tặc cũng có thể xâm nhập vào các tài khoản bằng cách sử dụng phần mềm tấn công vét cạn (brute-force attack), tìm cách đoán mật khẩu tài khoản với tốc độ hàng trăm mật khẩu một giây.
Entropy của mật khẩu là gì?
Entropy của mật khẩu là một dạng thước đo được dùng để xác định mức độ khó bẻ khóa mật khẩu của tin tặc – điểm entropy càng cao, mật khẩu càng khó bẻ khóa. Các công cụ kiểm tra độ mạnh của mật khẩu sử dụng thước đo này để giúp bạn xác định mức độ an toàn của mật khẩu (và liệu bạn có cần tăng cường độ mạnh của nó không).
Entropy được đo bằng "bit". Nó được tính bằng cách đo độ dài mật khẩu và số lượng ký tự được sử dụng, ví dụ: chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt.
Một cụm từ đơn giản như "xinchao" có entropy thấp hơn vì nó ngắn và không sử dụng đa dạng ký tự. Nhưng một mật khẩu phức tạp như "Gp6-7!$f0O^M>14£@-+_%k" có entropy cao hơn vì nó dài và sử dụng đa dạng ký tự nên khó bị bẻ khóa hơn.
Những mật khẩu nào được sử dụng phổ biến nhất?
Theo Trung tâm An ninh mạng Quốc gia của Vương quốc Anh, các mật khẩu được sử dụng phổ biến nhất là "123456”, "123456789”, "qwerty”, "password” và "1111111”, tất cả đều dễ nhớ, đó là lý do tại sao rất nhiều người sử dụng.
Tất cả những mật khẩu trên đều rất dễ đoán đối với tin tặc, vì vậy tốt nhất là luôn sử dụng mật khẩu độc nhất, phức tạp và thay đổi mật khẩu vài tháng một lần. Bạn có thể sử dụng công cụ kiểm tra độ mạnh để dễ dàng đánh giá xem mật khẩu của mình yếu hay mạnh.
Xác thực hai yếu tố (2FA) là gì và tôi có nên sử dụng không?
Xác thực hai yếu tố (2FA) là một phương pháp bảo mật yêu cầu người dùng cung cấp một hình thức xác minh bổ sung cùng với tên người dùng và mật khẩu khi truy cập vào tài khoản của họ.
Ví dụ: khi đăng nhập vào tài khoản Facebook của bạn, bạn sẽ cần nhập một mã dùng một lần được tạo bởi ứng dụng xác thực (như Google Authenticator) hoặc được gửi cho bạn qua SMS.
Có nhiều dạng 2FA, bao gồm mã dùng một lần, khóa phần cứng và xác thực sinh trắc học (quét dấu vân tay hoặc nhận dạng khuôn mặt).
Ngay cả khi bạn đã thiết lập 2FA trên tài khoản của mình, quan trọng vẫn là phải đảm bảo bạn đang sử dụng mật khẩu mạnh và không dùng lại mật khẩu này trên nhiều trang web hoặc dịch vụ. Bạn cũng nên để ý mọi hoạt động đáng ngờ trên tài khoản của mình – chẳng hạn như các tài khoản mới được tạo ra hoặc những thay đổi đột ngột trong thói quen chi tiêu – và báo cáo ngay nếu điều gì đó có vẻ không ổn.
Có đáng để sử dụng trình quản lý mật khẩu không?
Nói ngắn gọn là có. Trình quản lý mật khẩu mang lại nhiều lợi ích, bao gồm:
- Bảo mật. Tất cả thông tin chi tiết của bạn được lưu trữ trong một kho kỹ thuật số được mã hóa, vì vậy chúng an toàn trước tin tặc.
- Tiện lợi. Chỉ với một cú nhấp chuột, bạn có thể tự động điền thông tin đăng nhập của mình để không phải nhập thủ công nhiều lần.
- Kiểm tra mật khẩu. Tính năng này thông báo cho bạn nếu mật khẩu của bạn yếu, cũ, được sử dụng lại hoặc bị xâm phạm, cho phép bạn nhanh chóng cập nhật mật khẩu.
Trình quản lý mật khẩu của trình duyệt (chẳng hạn như trình quản lý được tích hợp trong Google Chrome) rất dễ sử dụng và tiện lợi, nhưng các ứng dụng quản lý mật khẩu độc lập thường cung cấp nhiều tính năng hơn và mức độ bảo mật tổng thể tốt hơn.
Mật khẩu chính là gì?
Cần có mật khẩu chính để mở khóa trình quản lý mật khẩu của bạn. Vì trình quản lý mật khẩu sử dụng mã hóa để bảo mật dữ liệu lưu trữ, nên mật khẩu chính được liên kết với khóa giải mã kho mật khẩu của bạn mà bạn sẽ cần để truy cập dữ liệu lưu trữ trong kho.
Để ngăn chặn kẻ xấu truy cập vào kho của bạn, bạn nên thiết lập một mật khẩu chính mạnh, không dễ đoán hoặc bẻ khóa. Bạn cũng nên định kỳ thay đổi nó (chẳng hạn như mỗi quý một lần) để tránh bị xâm nhập.
Lời khuyên của chuyên gia: Thiết lập xác thực hai yếu tố (2FA) để tăng cường bảo vệ kho mật khẩu của bạn. Đây là một bước xác minh bổ sung giúp bảo vệ dữ liệu của bạn ngay cả khi tin tặc bẻ khóa được mật khẩu của bạn.
Chúng tôi xếp hạng các nhà cung cấp dựa trên thử nghiệm và nghiên cứu khắt khe, nhưng cũng cân nhắc phản hồi của bạn và các thỏa thuận thương mại của chúng tôi với các nhà cung cấp. Trang này chứa các đường dẫn liên kết.